1. Học phí trên trời... và luôn thay đổi
Học phí của Đại học FPT là 23.100.000 đồng / học kỳ hay 46.200.000 đồng / năm. Đây là con số tính ở thời điểm tháng 11/2011, nhưng mức học phí này luôn tăng mạnh sau từng năm với lý do mà trường đưa ra là để bù trượt giá.
2. Nhiều phụ phí... ban đầu không nhìn thấy
Với mức học phí 23.100.000 đồng / học kỳ, vậy học phí trọn khóa ở FPT là 184,800,000 đồng, đúng không?
KHÔNG vì:
Trọn khóa học ở Đại học FPT là 9 học kỳ chứ không phải 8 học kỳ như nhiều người nhầm lẫn.
Kể cả khi phải học 9 kỳ học ở FU, học phí vẫn không phải là 207.900.000 đồng vì sinh viên còn bị bắt buộc phải vượt qua 5 mức yêu cầu về tiếng Anh với chi phí 9.240.000 đồng / mức. Nếu hỏng mức nào thì phải học lại mức đó và dĩ nhiên là phải đóng tiền lại.
Nếu học tốt, không bị đánh rớt môn hay các mức yêu cầu về tiếng Anh thì học phí trọn khóa ở Đại học FPT tối thiểu cũng là 254.100.000 đồng.
3. Chương trình "quốc tế" kiểu... Ấn Độ
Mặc dù các tờ rơi quảng cáo của Đại học FPT luôn nhắc đến MIT và Wharton (2 trường mạnh nhất lần lượt về Kỹ thuật và Kinh tế - Quản trị ở Mỹ), nhưng Đại học FPT chưa bao giờ ký được một thỏa thuận nào, dù là nhỏ nhất với 2 trường kể trên. Chỉ có chương trình tiếng Anh của FU là nhập ngoại từ một trung tâm đào tạo tiếng Anh nước ngoài, còn chương trình chuyên môn của Đại học FPT thực chất là xào nấu lại từ chương trình Kỹ thuật viên (trung cấp) Aptech (Ấn Độ) mà FPT đã nhập về từ cả chục năm trước.
4. Học đại học kiểu... ngắn hạn
Do xào nấu lại từ chương trình ngắn hạn Aptech nên các môn học ở FPT đều diễn ra và kết thúc chỉ trong vòng 2 tuần theo hình thức cuốn chiếu. Trong khi các trường đại học hàng đầu ở Việt Nam và trên thế giới đều áp dụng cơ chế học kỳ hoặc nửa kỳ thì lãnh đạo Đại học FPT luôn vỗ ngực tự hào là học một chủ đề "thật nghiêm túc" trong 2 tuần thì sẽ thu được kết quả tốt hơn. Thực tế, tỷ lệ rất nhiều sinh viên ở Đại học FPT phải đóng tiền thi lại nhiều lần đa phần cũng do tiếp thu không kịp trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.
5. Thiếu giảng viên... nên đẩy sinh viên ra thao trường quân sự
Lý do sâu xa của việc dạy và học cuốn chiếu ở FU còn là do thiếu giảng viên. Mặc dù, trên hồ sơ, Đại học FPT có dư giảng viên cho sinh viên nhưng đa phần là những cán bộ đang công tác toàn thời gian tại công ty FPT hoặc giảng dạy cho Aptech. Chính vì thế cách tốt nhất để đảm bảo thời lượng và giờ giấc cho các nhân công này là dạy ngắn hạn, theo kiểu 2 tuần 1 môn. Việc thiếu giảng viên thể hiện rõ qua việc sinh viên mới nhập học vào FU sẽ được gởi ngay đi học quân sự hơn 1 tháng. Chiêu bài tiếp thị mà Đại học FPT đưa ra để biện minh cho cách làm phản sư phạm này là sinh viên phải có tính kỹ luật mới học được trong môi trường FU.
6. Học để nói tiếng Anh theo kiểu... Ấn Độ và Phi-líp-pin
Với việc đề cao kỹ năng mềm và tiếng Anh trong đào tạo, chắc hẳn chất lượng giảng dạy Anh văn ở Đại học FPT phải được hết sức chăm chút nhằm bù lại những lỗ hổng về đào tạo chuyên môn do trường dạy theo hình thức cuốn chiếu ngắn hạn. Tuy nhiên, khác với mong đợi của nhiều người, toàn bộ các giảng viên Anh văn của Đại học FPT đều là những người Phi-líp-pin và Ấn Độ (đa số chưa có bằng Đại học) được "nhập" về để giảm thiểu chi phí so với việc phải thuê các giảng viên tiếng Anh người Mỹ, Úc hay Âu như các chương trình quốc tế khác ở Việt Nam thường làm. Chưa hết, vì yêu cầu xuất khẩu thợ lập trình sang Nhật, FPT còn bắt buộc sinh viên phải học thêm tiếng Nhật với lý do "yêu cầu" sinh viên FU phải giỏi nhiều ngoại ngữ. Thử hỏi, một thứ tiếng Anh học còn chưa xong trong những điều kiện như vậy... thì nói gì việc còn phải nhồi nhét thêm một thứ tiếng khác hẳn nữa.
7. Cơ sở vật chất... đi thuê
Khác với sự giàu có mà nhiều người nghĩ về Tập đoàn FPT, cho đến nay, hầu hết các cơ sở của Đại học FPT đều là đi thuê. Tại Hà Nội, Đại học FPT thuê tòa nhà Detech, số 8 Tôn Thất Thuyết; tại Đà Nẵng, Đại học FPT thuê một số phòng trong trường Cao đẳng Lương thực, 143 Nguyễn Lương Bằng; tại Sài Gòn, Đại học FPT thuê Lầu 2, tòa nhà Innovation, Lô 24, Công viên Phần mềm Quang Trung. Một lý do cơ bản cho việc thuê văn phòng trong các trường hay khu công nghiệp ở Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh là vì Đại học FPT không được Bộ Giáo dục & Đào tạo cho phép đào tạo tại 2 thành phố này và thông qua việc thuê cơ sở như vậy có thể núp bóng dưới chiêu bài đào tạo thường xuyên theo địa chỉ.
8. Văn hóa...!
Có thể tóm gọn văn hóa của Đại học FPT trong câu nói sau của Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: "Xin lỗi, tôi chỉ nói một câu thôi nhé. Đúng là mất dạy!" khi nói về việc FPT xuyên tạc bài nhạc cách mạng "Vệ Quốc Quân" của ông thành bài "FPT Ca": "Thằng Tây nó tiến thì mình giật lùi, thằng Tây nó lúi thì mình giật tiền.", "May mà kháng chiến thành công...",...
9. Tuyển sinh cho Đại học FPT, công ty FPT và cả... Ngân hàng Tiên Phong
Với biết bao những chiêu bài, hình thức, và nội dung "rỗng toét" như vậy vì sao Đại học FPT vẫn tuyển sinh được (dù đã suy giảm nhiều trong những năm gần đây)? Lý do là dù cách giảng dạy thiếu sư phạm, nhưng lãnh đạo FPT và các phương tiện truyền thông nói "giùm", nói mãi rồi người ta cũng tin. Là dù chất lượng đào tạo tầm thường, nhưng ít người biết ngoài những sinh viên đã phải nằm gai nếm mật ở Đại học FPT. Và quan trọng hơn cả, là dù học phí rất cao nhưng Đại học FPT có chính sách cho vay đến 90% học phí thông qua Ngân hàng Tiên Phong. Điều nhiều người ít chú ý là Ngân hàng Tiên Phong là một bộ phận của Tập đoàn FPT, như vậy vô hình chung Đại học FPT đã chính thức biến sinh viên thành con nợ của Tập đoàn FPT thông qua chính sách cho vay đó. Nếu sinh viên giỏi thì khi tốt nghiệp sẽ phải tiếp tục đi làm cho công ty FPT với mức lương rẻ mạt mà đến cả những người đi làm lâu năm ở FPT còn phải phàn nàn, chưa nói nhân viên mới vào làm. Còn nếu sinh viên dở thì sẽ không tốt nghiệp được, không bằng cấp không nghề ngỗng nhưng lại có một khoản nợ lớn phải trả cho Tập đoàn FPT (nói trại đi là Ngân hàng Tiên Phong).
10. Sự thật... qua những lời nói và con số
Đại học FPT quảng cáo: "Đào tạo theo phương pháp Học qua Làm... Từ năm ba trở đi, sinh viên vừa đi học vừa đi làm và được FPT trả lương." Còn lãnh đạo FPT nói với nhau: "Trả vài trăm ngàn đến vài triệu đồng cho các sinh viên đang còn đi học sẽ rẻ hơn nhiều so với việc trả hàng triệu đồng tiền lương hàng tháng cho những người đã đi làm rồi mà lại được một đội ngũ nhiệt tình hơn." Sự thật chỉ một bộ phận nhỏ sinh viên Đại học FPT có được cơ hội đi làm cho FPT để ăn lương bóc lột lao động còn đi học từ năm ba. Và tiền lương cho những người đã đi làm lâu năm ở FPT cũng thấp hơn so với các công ty khác cùng ngành mà lại luôn phải làm việc quá giờ, phải liên tục thức đêm làm thêm quanh năm.
Đại học FPT quảng cáo: "Học ở Đại học FPT sẽ được đảm bảo mức lương 500 đôla Mỹ / tháng trở lên khi ra trường." Nhưng đâu phải sinh viên nào cũng tốt nghiệp được từ Đại học FPT? Đợt đầu tiên tốt nghiệp từ Đại học FPT năm trước là 87 sinh viên trong khi Đại học FPT tuyển được hơn 400 sinh viên khi mới mở ra trong năm 2006. Vậy hơn 300 sinh viên còn lại đi đâu? Nhiều bài viết của các sinh viên này đã cho thấy họ bị cố tình đánh rớt, nội dung học chẳng liên quan gì nội dung thi, thời gian học quá ngắn để chuẩn bị cho thi cử,...
Vì sao Đại học FPT lại cố tình đánh rớt sinh viên như vậy?
Mỗi sinh viên thi lại học lại đều phải đóng thêm tiền cho Đại học FPT hoặc phải vay nợ thêm từ Ngân hàng Tiên Phong, ví dụ hỏng mỗi mức Anh văn thì phải đóng lại 9,240,000 VND.
Tập đoàn FPT có trên dưới 13,000 nhân viên, vậy làm sao mỗi năm FPT có thể tuyển gần 2,000 nhân viên theo đúng chỉ tiêu tuyển sinh đến 1,900 sinh viên hàng năm của Đại học FPT? Vì thế, phải cố tình đánh rớt sinh viên để không phải tuyển dụng sau này, để không phải trả lương lên đến 500 đôla / tháng nếu "chẳng may" sinh viên tốt nghiệp,...