Nguồn cung diễn viên lớn, tình huống trong phim dễ tìm, kịch bản dễ được chấp nhận... điều đó đã trở thành “động lực” cho các đạo diễn đua nhau thực hiện những dự án phim dành cho tuổi teen. Tuy nhiên, sau hàng loạt những bộ phim dành cho thế hệ học trò được ra mắt, dòng phim này vẫn chưa thực sự chiếm được cảm tình của người xem.
Diễn quá mức
Những bộ phim dành cho lứa tuổi học trò đang trở thành đề tài “hot” trên màn ảnh nhỏ. Tuy nhiên, đâu phải cứ ồ ạt cho ra tác phẩm cùng thể loại là khán giả có thể đón nhận nó như một thói quen.
Một cảnh trong phim "Bóng ma học đường".
Bộ phim truyền hình “Chít và Pi” từng được coi là “món ăn mầm đá”, đáng đề khán giả mong đợi và kỳ vọng. Thế nhưng khi ra mắt, đạo đã khiến người xem thất vọng về lối sống thiếu giáo dục của những nhân vật trong phim. Nếu như sự hồn nhiên trong sáng của học sinh được đánh giá bằng từ “mộc” thì trong Chít và Pi, yếu tố đó dường như đã bị đạo diễn “quên” khai thác.
Nhân vật trong phim đến trường bằng khuôn mặt được trang điểm hồng rực, đỏ chót. Chiếc váy đồng phục thì ngắn đến nỗi, chỉ cần sơ ý đùa nghịch, không cẩn thận một chút là có thể... “lộ hàng”. Bên cạnh đó, nhìn cái cách “diễn quá mức” của các diễn viên cũng đã khiến cho sự vô tư, trong sáng của lứa tuổi học trò trong Chít và Pi bị đánh cắp.
Các nhân vật trong phim đến trường như đến sàn catwalk. Diễn viên Tăng Nhật Tuệ có mái tóc sành điệu đến “chướng mắt”, thử hỏi có ngôi trường phổ thông nào chấp nhận học sinh thời trang theo kiểu đó?
Dịp đầu xuân, khán giả đã được thưởng thức bộ phim đặc sắc dành cho teen với phiên bản 3D: Bóng ma học đường. Tuy nhiên, trái với lời hứa hẹn của đạo diễn Lê Quốc Trung về bộ phim mang tính giáo dục có sự đầu tư “hoàng tráng” này, ngay từ khi mới ra mắt Trailer, Bóng ma học đường đã gặp phải nhiều ý kiến phản ánh về sự lộ liễu “khoe thân” của hai hot girl Elly Trần và Ngọc Diệp.
Khi bộ phim được công chiếu, nhiều khán giả “vỡ lẽ”: Nghe tên có vẻ bí ấn, thực chất nội dung là mấy cảnh bạo lực học đường, đánh nhau rồi lột đồ của hot girl nhằm câu khách. Học trò tìm kiếm được giá trị gì sau những màn “lộ hàng” khoe ngực một cách cố ý?
Nhật ký Vàng Anh từng một thời vang danh trên thị trường phim Việt, thế nhưng vẫn có nhiều ý kiến chỉ trích về cách xưng hô “ông, bà” thiếu tính giáo dục của các nhân vật. Còn với Những thiên thần áo trắng, đạo diễn Lê Hoàng đã biến nhân vật của mình trở nên “già hóa” khi áp đặt câu nói “như bà cụ non” vào những cô, cậu học trò đang trong độ tuổi teen tinh nghịch.
Nhân vật Miu thường có những phát ngôn rất “hiểu đời” kiểu như “chẳng có sự thông cảm nào chia đều cho tất cả mọi người đâu”, còn cậu bạn của July Miu lại dùng câu “mỹ từ” đẹp đến... vô nghĩa “nơi đây là thánh đường của nghệ thuật”?...
Phim dành cho teen nhưng lại chưa thực sự teen. Những “hạt sạn” trong dòng phim dành cho lứa tuổi này cho thấy, tìm kiếm một cách nhìn đúng về bản chất tuổi học trò trên nền điện ảnh Việt là điều vô cùng bức thiết.
Đi tìm lời giải
Ở nước ta chưa có những khóa đào tạo, hay đơn giản là lớp học ngoại khóa về tuổi teen cho người làm truyền hình. Đạo diễn chưa có cơ sở khoa học để làm phim, mỗi người làm một kiểu theo cách nhìn riêng của họ.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ, ở Mỹ, cảnh sát điều tra những vụ án tuổi teen bằng cách tập trung 4, 5 đứa trẻ để học về ngôn ngữ giao tiếp của chúng. Còn ở Việt Nam, chúng ta không có nghiên cứu về tuổi teen dẫn đến việc ngay cả khái niệm “teen là gì” cũng không định nghĩa được.
Phim dành cho lứa tuổi học trò thường có rất nhiều tình huống để lựa chọn. Tuy nhiên, nếu không thể đặt mình vào thế giới của teen để đánh giá vấn đề thì khó lòng phản ánh được thực chất lối sống của lứa tuổi “nhạy cảm” này.
Đạo diễn Mai Hồng Phong nêu ý kiến “Không nhất thiết phải cần đến những diễn viên chuyên nghiệp. Nên chọn diễn viên tuổi teen không chuyên, bởi có thể chưa qua đào tạo, nhưng họ sẽ đóng góp ý tưởng cho phim bằng những kiến thức thực tế sống động”. Với ông, cái tâm của người làm truyền hình là phải phản ánh đến tận cùng cái xấu, cốt sao để khán giả hiểu và tránh xa nó.
Làm phim dành cho giới, không phải cứ nhiều tập là phản ánh đúng và đủ cái tốt, cái xấu của tuổi teen. “Phim là của đạo diễn, khi nhận kịch bản từ tay người biên kịch, nếu thấy nó chưa “tới tầm” thì đạo diễn chính là người phải “xử lý” lại.
Để làm được điều này cần phải hiểu tâm lý giới trẻ. Thay vì “cày” quần quật hết tập này sang tập khác, đạo diễn nên tập trung nghiên cứu thật sâu về thế giới học trò”, đạo diễn Mai Hồng Phong chia sẻ thêm.